
Showbiz Việt & mô hình đào tạo Idol không giống ai?
Cho dù tại Việt Nam mô hình của các Boyband – Girlband đã qua thời kỳ đỉnh cao rất lâu. Việc luyện “gà” cũng không còn là mảnh đất quá nhiều màu mỡ để mọi người hào hứng tham gia như cách đây hơn 10 năm. Đặc biệt là khi các show truyền hình thực tế về âm nhạc đã làm công việc đi tìm kiếm tài năng rất tốt, việc còn lại nghe có vẻ đơn giản chỉ là “chọn mặt gửi vàng” những tài năng ấy…
Thị trường vẫn cứ thiếu…
Không phải ngẫu nhiên mà nhóm 365 vẫn tồn tại một cách bền vững và chắc chắn với những gì họ vạch ra trong một thị trường có quá nhiều biến động như V-pop. Từ lúc họ khởi đầu là một nhóm nhạc cho đến khi các thành viên tách ra solo theo hướng nghệ sĩ đa tài, mỗi người là một thế mạnh. Có thể thấy Isaac được xem là người cầm trịch mảng âm nhạc tốt nhất, trong khi việc đóng phim vẫn chỉ mang tính tay ngang. Ngược lại Will, Jun Phạm hay Tronie được công ty VAA phát triển nhiều hơn ở mảng phim điện ảnh. Lúc này 365 phân hóa rất rõ rệt với từng thành viên khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu ban đầu đề ra của ngày thành lập nhóm là tạo ra những Idol trong bối cảnh mới của thị trường.
Nhìn vào 365 cũng sẽ thấy một mô hình trước đó không lâu là nhóm V.music được thành lập cùng năm 2010, đã không giữ được sự ổn định cần thiết. V.music đi đến tan rã chỉ sau 4 năm, đúng nghĩa của việc đường ai nấy đi. Dù cho những thành quả mà nhóm đạt được không thua kém so với 365 đã làm trong suốt thời gian nhóm tồn tại. Nói như thế để thấy, công ty quản lý đứng đằng sau những mô hình này đóng vai trò quyết định sự sống còn của nhóm.
V.Music – những tài năng đáng tiếc của showbiz Việt
Gần đây, những nhóm nhạc xuất hiện theo mô hình Idol liên tục xuất hiện như LipB và Uni5 của công ty 6sense hay P366 của MCV, hoặc là Monstar của St.319… cho thấy nhu cầu của một lớp khán giả mới vẫn rất cần xem những Idol kiểu như vậy. Tuy nhiên, một trong những khó khăn nhất khi gặp phải khi đào tạo mô hình Idol này tại Việt Nam chính là khi các thành viên “đủ lông đủ cánh”, họ thông thường sẽ tìm cách “bay đi” sau khi nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt từ các “phe khác”.
Chuyện gì giải quyết bằng tiền đều đơn giản…
Trường hợp của Erik khi rời khỏi Monstar cho thấy câu chuyện đền bù hợp đồng không phải là câu chuyện quá khó khăn. Bởi vì, việc gì giải quyết được bằng tiền thì đều tương đối đơn giản, đó có thể xem là một triết lý kinh doanh rất chuẩn mực.
Trong khi đó, với các mô hình Idol tại Hàn, đôi khi có những sự ràng buộc sau khi idol rời công ty còn liên đới đến cả việc có được biểu diễn thường xuyên hay không (do sự bắt tay của các công ty giải trí lớn với nhau), hoặc các công ty đưa ra những thông tin cực kỳ bất lợi với thành viên rời nhóm để “nhổ cỏ nhổ tận gốc” và không chừa đường sống cho “người dám đi ngược chiều”.
JYJ cùng những lời đồn bị SM Entertainment chèn ép không cho lên sân khấu
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất có lẽ nằm ở chỗ tư duy của các Idol tại Việt Nam. Khao khát nổi tiếng thì thời nào cũng có và ai cũng muốn nổi nhanh nhất có thể. Nhưng với các Idol tại Hàn Quốc, họ hầu hết đều hiểu cái giá phải trả cho việc “đốt cháy giai đoạn” và chấp nhận “nằm gai nếm mật” để đi đến đỉnh vinh quang mà mình cần. Đặc biệt nhất là yếu tố thị trường họ họ hướng tới không chỉ là nội địa mà còn là thị trường khu vực Châu Á hay thậm chí cả thế giới.
Còn ở Việt Nam, các Idol hay dễ nản chí khi chỉ 1-2 năm mới ra mắt mà không thấy được nhiều thành quả. Thậm chí khi đã là “ngôi sao” mà vẫn nhận lương tháng từ việc chia % tỷ lệ lợi nhuận từ các hợp đồng biểu diễn (9/1 hoặc 8/2 với phần nhiều thuộc về công ty đầu tư) khiến cho nỗi ám ảnh lại càng lớn. Với một thị trường nhỏ mà tuổi thanh xuân thì chỉ có được chừng ấy năm, khiến cho nỗi lo sợ một ngày nào đó “có tiếng mà chẳng có miếng nào” là một thực tế đang xảy ra rất nhiều với các mô hình đào tạo Idol tại Việt Nam.
Tỷ lệ ăn chia 1 – 9 giữa Erik và công ty quản lý cũ
Nói theo cách nào đó, mô hình Idol của Việt Nam vẫn chỉ học được nửa vời so với mô hình gốc tại Hàn Quốc. Còn lại là tuỳ cơ ứng biến. Nên với rất nhiều công ty quản lý nghệ sĩ tại Việt Nam hiện nay câu chuyện bản hợp đồng đôi khi chỉ là thoả thuận miệng, vì như lời của nhiều quản lý nghệ sĩ cho biết: “Nếu ca sĩ đã muốn ra đi thì một tờ giấy hay 100 tờ giấy ký kết cũng không có nghĩa gì cả. Điều quan trọng chính là ‘cái tình’ với nhau…”. Mà “cái tình” ấy thật ra là thiếu, rất thiếu trong showbiz Việt.
Nhìn vào thực tế đó, để thấy cơ may của những mô hình chuẩn về đào tạo Idol tại Việt Nam vẫn còn rất lớn về tiềm năng. Và “đầu ra” cho các Idol vẫn cứ đầy ra đó. Quan trọng là các Idol ấy có đủ tài năng để làm khán giả nhớ đến. Với lứa khán giả 10x đang ngày càng văn minh hơn trong cách nghe nhạc cũng như kiến thức về âm nhạc được trang bị rất tốt thì chỉ có “hàng tốt” mới là quan trọng nhất chứ không cần “hàng nhái”.
Vậy thì câu chuyện là ai sẽ dũng cảm đi khai phá mô hình chuẩn về Idol này, để góp phần làm cho showbiz Việt đa dạng màu sắc hơn nữa?